5s quảng cáo

Mình có 1 shopee nho nhỏ bán ốp iPhone kunn.oops, mọi người ủng hộ nhé :D

Mở đầu

Những năm gần đây, Trợ lý ảo đã dần trở thành xu hướng công nghệ được đón đầu. Các “ông lớn” làng công nghệ thế giới đã cho ra đời các trợ lý ảo, được nhiều người biết đến như: Apple Siri, Google Assistant, Amazon Alexa, Microsoft Cortana.

Và đương nhiên vẫn còn nhiều trợ lý ảo khác được phát triển bởi các công ty công nghệ trên thế giới, có cả Việt Nam. Trong đó có cả Viettel, nơi mình và team đang phát triển 1 trợ lý ảo.

Trợ lý ảo là gì mà lại trở thành xu hướng công nghệ 2019?

Có thể hiểu đơn giản trợ lý ảo là phần mềm, công cụ được xây dựng dựa trên nền tảng trí thông minh nhân tạo (AI) và thường được các nhà phát triển công nghệ tích hợp sâu vào trong hệ điều hành với mục đích chính là hỗ trợ người dùng thiết bị dễ dàng hơn bằng chính thói quen mà người dùng thường làm trên thiết bị (như các trợ lý ảo mình liệt kê ở trên).

Ưu điểm của trợ lý ảo là gì?

Khả năng nhận diện giọng nói và phân tích văn bản (Voice to Text – Text to Voice)

Bằng trí thông minh nhân tạo, những trợ lý ảo có thể nhận diện giọng nói chính xác, cho phép người dùng có thể tương tác với máy tính bằng giọng nói dễ dàng. Ví dụ, trợ lý ảo Siri của Apple sẽ bắt đầu khởi chạy ngay khi bạn nói “Hey Siri” thay vì phải nhấn giữ nút Home trên iPhone, iPad, sau đó có thể tiếp tục ra lệnh cho Siri thực hiện những điều bạn muốn.

Khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Công nghệ NLP – Natual Language Process)

Trợ lý ảo còn có thể xử lý ngôn ngữ và đưa ra những câu trả lời phản hồi người dùng, tạo nên sự tương tác giữa người dùng và thiết bị giống hệt cuộc nói chuyện giữa người với người.

Sức mạnh tìm kiếm (Search Engine)

“Đứng sau” trợ giúp cho tính năng tìm kiếm của các trợ lý ảo chính là những công cụ đình đám như Bing, Google Search, thư viện bách khoa toàn thư Wikipedia hay Wolfram Alpha. Với những kho dữ liệu khổng lồ như vậy, rõ ràng những trợ lý ảo sẽ có khả năng tìm kiếm cực kỳ mạnh mẽ cả về tốc độ lẫn sự chính xác trong kết quả tìm kiếm.

Khả năng học từ người dùng

Trợ lý ảo hoàn toàn có thể thu thập dữ liệu từ các thói quen sử dụng, tìm kiếm dữ liệu của người dùng và đưa ra những gợi ý chính xác nhất, và Trợ lý ảo sẽ “học” từ thói quen người dùng và trở nên “giỏi” hơn mỗi ngày.

Trợ lý ảo được thực tế hóa ở các phiên bản:

  • Robot
  • Website
  • Mobile Application

Mô hình khái quát về việc lập trình Trợ lý ảo mà team mình đang phát triển:

Hệ thống sẽ nhận đầu vào là giọng nói hoặc văn bản. Lúc này hệ thống sẽ tiền xử lý dữ liệu, nếu là giọng nói sẽ chuyển thành văn bản để xử lý bằng công nghệ speech2text (Model này là của công ty mình tự huấn luyện). Sau đó văn bản sẽ được xử lý và trích xuất thông tin thông qua tầng xử lý ngôn ngữ.

Lúc này các thông tin được trích xuất bao gồm Intent (dự định, ý định) của người dùng, Object (Đối tượng) trong câu nói đó, ngoài ra còn nhiều thông tin bổ sung khác như Location, Name, v.v.. Các thông tin này sẽ được bọn mình xử lý trên các model hoặc AIML training sẵn. Từ đó trả dữ liệu về cho người dùng.

Đặc biệt, điểm mạnh của trợ lý ảo hiện nay vẫn nằm ở hệ thống Search Engine, đa phần người dùng sẽ có thiên hướng tìm kiếm và hỏi đáp. Vậy nên khi xác định Intent của người dùng là tìm kiếm, bọn mình sẽ sử dụng hệ thống SE do công ty tự phát triển để tìm kiếm các thông tin chính xác nhất và gửi kêt quả về cho người dùng.

Hằng ngày team mình sẽ tối ưu Trợ lý ảo bằng các công nghệ:

  • Công nghệ nhận dạng và xử lý tiếng nói (Voice to text - Text to voice)
  • Xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Processing)
  • Trí tuệ nhận tạo (AI)
  • AIML

Đây là sản phẩm Trợ lý ảo do team mình đang xây dựng:

Công việc của một lập trình viên làm Trợ lý ảo với mình rất thú vị. Tuy nhiên mình cũng nhận được nhiều câu hỏi rằng Trợ lý ảo rất phát triển và là xu hướng Công nghệ mới nhưng là ở nước rất phát triển, không phải ở Việt Nam. Vậy theo mọi người, **Cơ hội và thách thức cho các nhà phát triển, kỹ sư lập trình Trợ lý ảo tại Việt Nam là gì? Đây có thực sự là cơ hội mới cho các lập trình viên?**

Một vài số liệu thú vị về trợ lý ảo:

Số lượng thiết bị thông minh được tích hợp tính năng trợ lý ảo sẽ vượt mốc 7,5 tỷ vào năm 2021, cao hơn dân số toàn cầu hiện nay.

Dự kiến tới năm 2021, 47,6% thiết bị sử dụng trợ lý ảo thông qua giọng nói sẽ xuất hiện tại châu Á và châu Đại Dương. Các nền tảng trợ lý ảo đến từ Trung Quốc như Baidu, iFlytek…sẽ được sử dụng trên khoảng 43 triệu thiết bị, đi theo xu hướng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ

(Theo nghiên cứu và nhận định từ Ovum).